Từ nay ai sửa, ghép ảnh xuyên tạc sẽ bị phạt nặng
Một bức ảnh chế người Sài Gòn di tản năm 1975 từng xuất hiện trên mạng, thậm chí được đưa vào một cuốn sách ảnh do không kiểm tra nguồn. Ảnh chụp lại từ sách. |
Tuổi Trẻ giới thiệu các quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, thú y, tài nguyên nước... bắt đầu có hiệu lực thi hành trong tháng 5.
Sửa, ghép ảnh xuyên tạc lịch sử phạt 3-5 triệu đồng
Nghị định 28/2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều của hai nghị định xử phạt vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan và trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, có hiệu lực từ 5-5) đưa ra mức phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Cũng theo nghị định này, các hành vi sau sẽ bị phạt 200.000-500.000 đồng: thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.
Phạt cả chủ sản phẩm treo, dán quảng cáo
Nghị định mới cũng bổ sung đối tượng bị phạt liên quan đến các mẩu quảng cáo trên cột điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng: cả người treo, dán lẫn chủ nhân của sản phẩm được quảng cáo.
Theo đó, người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng bị phạt 1-2 triệu đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo được treo, dán tại những nơi nói trên bị phạt nhiều, 5-10 triệu đồng.
Riêng hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên các tờ rơi này bị phạt 5-10 triệu đồng.
Không tiêm phòng dại cho chó phạt 3 triệu đồng
Theo nghị định 41/2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi... có hiệu lực từ 20-5), chủ vật nuôi trên cạn nếu không thực hiện việc phòng bệnh bằng văcxin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật nuôi sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng.
Ngoài ra, họ cũng sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng nếu: vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường; không chấp hành việc tiêm phòng văcxin dại cho chó nuôi; sử dụng thuốc thú y không có trong danh mục thuốc thú y được cấp phép lưu hành.
Trả phí đường bộ không cần dừng xe
Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng quy định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động (có hiệu lực thi hành từ 15-5) quy định các phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây.
Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản trả trước để chi trả phí sử dụng đường bộ bằng các hình thức sau: chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng, sử dụng thẻ cào để nộp tiền qua tin nhắn điện thoại hoặc trang thông tin điện tử của nhà cung cấp dịch vụ thu giá, nộp trực tiếp bằng tiền mặt tại các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu giá ủy quyền, thông qua đơn vị trung gian thanh toán...
Ghi hình vi phạm giao thông phải rõ ngày, tháng
Để phục vụ việc xác định vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cơ quan chức năng có quyền sử dụng thiết bị ghi hình là máy chụp ảnh, máy ghi hình động (camera).
Thông tư 06/2017 của Bộ GTVT (có hiệu lực từ ngày 1-5) yêu cầu thiết bị ghi hình khi chụp hình ảnh thực tế phải bảo đảm hình ảnh có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây và địa điểm chụp hình. Thiết bị ghi hình ảnh động (camera) khi ghi, thu hình ảnh thực tế, clip hình ảnh phải bảo đảm có hiển thị ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây, địa điểm ghi, thu hình ảnh, clip.
Trường hợp thiết bị ghi hình không có chức năng xác định địa điểm thì trong phiếu xác nhận kết quả ghi hình (do cơ quan chức năng cung cấp) phải ghi rõ địa điểm ghi hình.
Kinh doanh động vật chứa chất cấm, phạt 40-50 triệu đồng Từ ngày 20-5, hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ và vào sản phẩm động vật làm mất vệ sinh sẽ phải chịu mức phạt tăng gấp 4-5 lần: từ 5-6 triệu đồng lên đến 20-30 triệu đồng, theo quy định tại nghị định 41/2017. Người vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ động vật hoặc sản phẩm động vật chứa chất cấm bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng, tăng 4 lần so với mức hiện hành 10-15 triệu đồng. |
Post a Comment