Trận chung kết đừng quên ngoài Luka Modric, Croatia còn có Dejan Lovren
Phát ngôn của Lovren lập tức tạo ra… những tiếng cười mỉa mai.
Lovren mà là trung vệ hàng đầu thế giới, có lẽ Chung Vô Diệm cũng có thể thi hoa hậu mất rồi.Ngay cả các CĐV Liverpool, nhìn Lovren đá cũng cảm thấy tim đập chân run.
Đấy là trung vệ bị miệt thị nhiều nhất, bị dọa giết nhiều nhất, bị truyền thông tấn công nhiều nhất giải Ngoại hạng Anh. Vậy mà thật ngạc nhiên là sau mỗi sai lầm nghiêm trọng, Lovren vẫn luôn có thể trở lại.
Sức sống bền bỉ ấy liệu có liên quan gì đến việc anh là một người nhập cư?
Hãy nghe Lovren kể câu chuyện của mình:
"Thứ thanh âm tôi nhớ nhất khi còn nhỏ là tiếng còi báo động. Chuẩn bị có một cuộc không khích. Mẹ bồng tôi và chạy xuống hầm. Mẹ khóc thật nhiều. Rồi cả nhà cũng lên một chiếc ô tô nhỏ, loại do Nam Tư sản xuất. Cậu tôi lái ra khỏi thành phố, và chúng tôi đã trở thành những người nhập cư".
Lovren là một trong vô số những đứa trẻ phải rời bỏ quê hương để tìm lấy sự sống và tự do trong những cuộc chiến tranh liên miên ở châu Âu trong thập niên 1980. Sau một trận bom, sự ngây thơ của đám trẻ biến mất, chỉ còn lại sự sợ hãi, lo âu. Rồi khi mở mắt ra, trước mắt chúng là một nơi chốn xa lạ. Cuộc đời mới bắt đầu, với vết sẹo mãi hằn trong tâm lý.
Lovren ra đời tháng 7-1989 tại Zenica của Bosnia, con của một cặp vợ chồng người Croatia. Khi Lovren bốn tuổi, tất cả dắt díu nhau đến Munich tị nạn. Bà nội Lovren đang ở đó. Hành trang chỉ là mấy bộ đồ, không túi xách, không đồ đạc, không tiền.
Ông già Lovren giữa đường nhảy xe, bảo cả nhà cứ đi, ông mạo hiểm ở lại xem có bán được cái nhà không. Chứ sang Munich tiền đâu mà sống, đâu thể bắt bà nội đã già còn phải nuôi báo cô mấy miệng ăn.
Không phải ai cũng chọn rời khỏi quê hương. Một số quyết định ở lại. Từ Munich, gia đình Lovren thỉnh thoảng lại nhận tin dữ. Khi thì ông cậu, lúc thì bà dì chết vì lạc đạn. Nhưng làm sao về được. "Mẹ đã khóc rất nhiều trong những năm tháng ấy," Lovren nói khi trả lời Guardian vài năm trước.
Lovren được học mẫu giáo. Quanh anh bọn trẻ nhập cư cũng nhiều, nên không cảm thấy buồn mấy. Nhưng về nhà thì buồn. Không có việc làm, bố mẹ Lovren cãi nhau suốt. Những năm đầu của đời nhập cư, ông già Lovren cầm đơn xin việc hết chỗ này đến chỗ kia, đều bị từ chối.
Năm Lovren lên 10, gia đình bị buộc phải rời nước Đức vì chính quyền phát hiện ông già Lovren xài giấy phép lao động chui. Cả nhà dắt díu nhau đến Karlovac (Croatia). Ở nơi đó, cả nhà mới được bình yên. Lovren xin vào lò đào tạo của CLB Karlovac, rồi sau đó chuyển sang CLB lớn nhất nước là Dinamo Zagreb.
Năm 16 tuổi, Lovren bắt đầu yêu Anita. Anh nhớ lại trong một bộ phim tài liệu cho kênh truyền hình của Liverpool: "Sống sót qua chiến tranh, được chơi bóng đá và tìm được tình yêu đầu đời. Tôi đã luôn nghĩ mình là người may mắn". Yêu nhau được 8 năm, Lovren và Anita làm đám cưới. Hai đứa con: một gái một trai, Elena và Josip lần lượt chào đời sau đó.
"Tôi đã nghĩ mình là người may mắn", Lovren nói trong cuốn phim tài liệu. "Thế nhưng…"
Năm 2016, cô vợ Anita của Lovren trở lại Zagreb và gặp lại người bạn cũ, Dario Torbic. Cuộc sống ở Liverpool nhàm chán nên cô vẫn hay nhắn tin cho anh chàng này thông qua Whatsapp.
Khi Anita trở lại Liverpool thì Dario cùng theo. Họ thường xuyên gặp nhau ở một khách sạn tại Liverpool. Quá phấn khích với tình mới, Anita đệ lơn ly dị. Sau mười năm yêu Lovren, cô bỏ đi lạnh lùng, để sống với một nhân viên làm lâm nghiệp chỉ kiếm được có 200 bảng/tháng.
Báo chí Anh khui ra vụ này, moi luôn được ảnh giường chiếu của Anita và Torbic. Lovren như muốn độn thổ. "Xưa nay chỉ có cầu thủ dối lừa bọn WAGs, ai lại để bị cắm sừng bao giờ," là một comment quen thuộc trên các trang báo mạng thời ấy.
Thời gian này, Lovren rất hay phạm sai lầm trên sân cỏ. Klopp từng khuyên anh hãy tìm đến một bác sĩ tâm lý.
Và Lovren làm gì trong hoàn ảnh này? Anh thuyết phục vợ hãy quay trở lại với gia đình, với hai đứa con, xin lỗi vì đời cầu thủ cứ đi hoài, không thể dành thời gian cho vợ nhiều hơn. Anh hứa sẽ dành cho vợ hai tuần lễ nghỉ mát, không con cái, không bóng đá, để hâm nóng lại tình yêu.
Thời gian này Croatia chuẩn bị dự EURO 2016, Lovren xin HLV Ante Cacic không được thì cãi nhau và bị loại luôn ra khỏi danh sách đến Pháp.
Lovren đã cứu vãn được cuộc hôn nhân này, như đã từng cứu không biết bao nhiêu bàn thua cho Liverpool. Tất nhiên, người ta vẫn thích nhìn vào những sai lầm của Lovren để chế nhạo anh hơn.
Họ không biết là phía sau những sai lầm ấy là những biến cố ngoài đời, tác động dữ dội đến tâm lý của anh. Nhưng anh không phải là người dễ dàng từ bỏ.
Sau khi Lovren phạm hai sai lầm trong trận thua Tottenham 1-4 hồi mùa giải trước, anh đã đăng trên Instagram của mình một dòng trạng thái:
"Người chiến thắng không phải là người chưa từng thất bại, mà là người không bao giờ bỏ cuộc".
Và bây giờ, anh đứng giữa một trận chung kết World Cup, chỉ ít lâu sau khi đá chung kết Champions League.
Để làm nên lịch sử, Croatia không chỉ cần thiên tài của Luka Modric, mà còn cần cả sự rắn rỏi của Lovren ở hàng thủ nữa. Và chắc chắn anh sẽ chả sợ hãi Pogba, Griezmann hay Mbappe đâu.
Đời có hai thứ đáng sợ nhất: cái chết và vợ bỏ, ảnh trải qua hết rồi còn gì.
Tổng thống Putin gửi thông điệp 'biết ơn' trước khi World Cup khép lại
TTO - Với những lời khen ngợi mà các vị khách đã dành cho nước Nga sau 1 tháng gắn bó với World Cup, Tổng thống Putin tỏ vẻ hạnh phúc vì họ đã 'nhìn thấy mọi thứ tận mắt'.
Post a Comment