Thương nhớ ở ai được khen, Người phán xử bị chê chưa hoàn hảo
Sáng nay (9-4), Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm "Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2017", sự kiện nằm trong khuôn khổ giải Cánh Diều 2018.
Cho đến hôm nay Ban giám khảo Cánh Diều đã chấm xong kết quả và ngày 15-4 tới sẽ trao giải tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).
Ban giám khảo Cánh diều 2018 đang... cố gắng lạc quan với số phim gửi về ít ỏi cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tọa đàm "Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2017" - Ảnh: NGỌC DIỆP
Đạo diễn Lương Đức, Trưởng ban giám khảo phim tài liệu nhận định 34 phim tài liệu tham dự giải Cánh diều phản ánh đa dạng các vấn đề của cuộc sống.
Nhiều bộ phim có cách thể hiện khá "Tây", để cho nhân vật tự lên tiếng, thay vì đọc lời bình ra rả. Các đạo diễn trẻ cũng thể hiện rõ khát khao tìm tòi thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh mới. Tuy nhiên Ban giám khảo vẫn thấy đa phần phim lan man, thiếu định hướng.
Lễ trao giải Cánh Diều 2018 sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV2 lúc 20h ngày 15-4
"Nhìn chung chất lượng phim sụt giảm, đề tài không mới, nhiều đạo diễn vẫn loay hoay tìm cách kể. Năm qua là thời gian tạm dừng của phim tài liệu và phim khoa học", đạo diễn Lương Đức nói.
Trong khi đó hạng mục phim hoạt hình của Cánh diều cũng giống như tại Liên hoan phim Việt Nam, là sân chơi độc diễn của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Hãng này chiếm 12 trong tổng số 13 phim dự thi. Điều đáng nói là phim của hãng không hề có đầu ra, mấy năm nay hãng mới tìm cách phát hành trên mạng.
Đạo diễn Phương Hoa, Trưởng ban giám khảo phim hoạt hình nhận định phim hoạt hình năm nay không có đột phá trong đề tài cũng như cách thể hiện.
Ba bộ phim truyền hình đáng chú ý của năm 2017 - Ảnh: NGỌC DIỆP
Trưởng ban giám khảo phim truyền hình dài tập là nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá trong 11 phim truyền hình dự thi, có Thương nhớ ở ai được khen là một cái nhìn sâu sắc vào đời sống của người Việt.
Còn Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử dù hấp dẫn nhưng vẫn bị ban giám khảo chê là Việt hóa chưa hoàn hảo, với cái kết hơi thiếu nhân văn. Phim hình sự như Tử thi lên tiếng được đánh giá cao vì làm ra được đúng thể loại.
Hạng mục được quan tâm nhất là phim truyện năm nay chỉ có 13 phim gửi về dự thi và tất cả đều được tranh giải. Trong số này có quá ít phim chất lượng.
Trưởng ban giám khảo,đạo diễn Vũ Xuân Hưng nhận định phim tham gia Cánh Diều 2018rất ít phim hoàn chỉnh. Đa số phim rơi vào tình trạng được cái này thì mất cái kia. Phim chủ yếu tập trung phản ánh đời sống đô thị giàu sang, thiếu nhân vật có sức vóc về thể chất lẫn tinh thần, thực hiện các nhiệm vụ xã hội, thể hiện triết lý sống sâu sắc…
Dẫu vậy Ban giám khảo Cánh Diều 2018 vẫn đánh giá cao những bộ phim thể hiện được văn hóa Việt, đề cập đến những vấn đề ảnh hưởng tới một nhóm người trong cộng đồng, những vấn đề xã hội lớn, thay vì chỉ tập trung vào các mối quan hệ cá nhân.
Ở hạng mục phim ngắn, Trưởng ban giám khảo, Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đánh giá cao phim tài liệu bởi cái nhìn tươi mới, cách thể hiện sáng tạo của các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ phía Nam.
Đạo diễn Lương Đức, Trưởng ban giám khảo phim tài liệu của Cánh diều nhận định năm 2017 phim tài liệu và phim khoa học đã chững lại - Ảnh: NGỌC DIỆP
Gió đã đổi chiều
Dù Cánh Diều nhiều năm nay luôn trao giải cho phim tư nhân, nhưng trong các cuộc tọa đàm về nghề nghiệp của Cánh Diều nhiều năm trước, phim tư nhân luôn nhận về những nhận xét khắt khe nhất.
Tuy nhiên tọa đàm của mùa giải năm nay, tình thế đã xoay chuyển hoàn toàn. Phần lớn các thành viên tọa đàm đều phải thừa nhận phim tư nhân đã có nỗ lực lớn trong việc nâng cao chất lượng nội dung lẫn kĩ thuật.
Trong tọa đàm không còn có những ý kiến phản ứng gay gắt về phim tư nhân như nhiều năm trước. Trái lại, đa phần các thành viên tham dự tọa đàm đều rất chia sẻ với phim tư nhân.
Những bộ phim như Dạ cổ hoài lang, Cô Ba Sài Gòn, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Đảo của dân ngụ cư... được Ban giám khảo Cánh Diều đánh giá tốt ở khâu chọn đề tài, với những câu chuyện về số phận con người, số phận cộng đồng, thay vì chọn những đề tài giải trí thông thường.
Đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng: "Hiện nay sự tồn tại của điện ảnh Việt Nam là do thị trường quyết định. Toàn bộ sứ mệnh này nằm trong tay các nhà sản xuất phim tư nhân. Đáng mừng là phim tư nhân ngày càng chuyên nghiệp, đặc biệt nâng cao tay nghề về kĩ thuật.
Năm 2017 phim hài nhảm, cẩu thả, câu khách rẻ tiền gần như đã không còn nữa. Nhiều nhà sản xuất đã dám vượt qua yếu tố thương mại để làm những bộ phim nhân văn, đó là điều rất đáng trân trọng".
Phim remake, vấn đề rất được quan tâm trong hai năm nay cũng được đưa ra mổ xẻ. Đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng không nên quá khắt khe với thể loại này, thậm chí cần mở rộng tiêu chí để đánh giá những bộ phim remake có sáng tạo.
Họa sĩ thiết kế Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng việc các nhà sản xuất mua kịch bản nước ngoài về remake (làm lại) là bình thường vì các nền điện ảnh lớn cũng thường xuyên làm thế. Ông Tú cho rằng: "Chúng ta cũng cần có thái độ bình tĩnh, trân trọng cái mới. Cần cho cái mới thời gian để hoàn chỉnh".
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết bà đánh giá rất cao những nhà sản xuất tư nhân, dám bỏ tiền thực hiện các bộ phim có những đề tài lớn như thân phận của một cộng đồng, thân phận của đất nước như Dạ cổ hoài lang, Giấc mơ Mỹ.
"Tiếc là nhiều nhà sản xuất có tham vọng, nhưng khi bắt tay vào làm lại lúng túng về mặt nghề nghiệp. NhưGiấc mơ Mỹ, đề tài tốt là thế, nhưng cách kể chuyện cứ lộn tùng phèo. Hi vọng các nhà làm phim tư nhân thời gian tới tiếp tục đầu tư cho những đề tài có giá trị thay vì chỉ làm phim giải trí", bà Ngát nói.
Trong tọa đàm này, các nhà làm phim cũng xác định "đã hết thời trông chờ nhà nước bỏ tiền cho làm phim, ra sản phẩm không cần quan tâm lỗ lãi".Đây có thể coi là một sự thừa nhận (dẫu muộn màng) của các nhà làm phim phía Bắc.
Dù gì họ cũng đã phải đối mặt với phải đối mặt với thực tế hai năm qua nhà nước không còn rót tiền sản xuất phim và chứng kiến phim tư nhân đang lớn mạnh từng ngày dù phải chật vật cạnh tranh với phim ngoại.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, phim Việt nào xứng đáng đoạt Cánh Diều Vàng năm nay?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Mẹ chồng
Cô gái đến từ hôm qua
Em chưa 18
Ở đây có nắng
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa
Giấc mơ Mỹ
Đảo của dân ngụ cư
Bạn gái tôi là sếp
Sắc đẹp ngàn cân
Ngày mai Mai cưới
Cô Ba Sài Gòn
Yêu đi đừng sợ
Dạ cổ hoài lang
Ý kiến khác
Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua... sẽ dự giải Cánh Diều 2018
TTO - Giải Cánh Diều 2018 họp báo sáng nay, nếu như những năm trước Cánh Diều tham vọng trở thành một giải thưởng điện ảnh lớn, thì nay chấp nhận với quy mô nhỏ do kinh phí hạn hẹp.
Post a Comment