Biệt đội 12A1 phim nóng theo rạn nứt trong quan hệ thầy trò
Những thành viên của Biệt đội 12A1 - Ảnh: ĐPCC
Tôi cảm thấy đau lòng vì nhiều điều đáng tiếc đang xảy ra giữa xã hội thực mà ngỡ như phim
Đạo diễn HIẾU VICK
Đạo diễn trẻ Hiếu Vick từng thực hiện mùa ba của loạt phim 5S Online và đang bắt tay làm mới lại bộ phim này ở định dạng mới có tên 5Plus TV-series.
Còn vềBiệt đội 12A1, anh chia sẻ:
- Những học trò trongBiệt đội 12A1không giống các bạn cùng trang lứa và khó hòa nhập với bạn bè. Có em đã quá tuổi học phổ thông, hằng ngày vẫn phụ bà ngoại đi bán vé số.
Teaser phim Biệt đội 12A1
Có em sinh ra trong nhung gấm, gia đình không có gì ngoài điều kiện nhưng lại thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Có em ba mẹ tuy chia tay từ nhỏ, nhưng sống rất độc lập, tự kiếm tiền, tự trải nghiệm cuộc đời bằng đam mê nghệ thuật.
Ngược lại cũng có bạn sinh ra trong gia đình nghệ sĩ, giàu có và nổi tiếng nhưng chơi bời, lêu lổng. Và có cả những em rất mong manh, yếu ớt, mệt mỏi chạy theo cuộc đua "không được thua kém con nhà người ta"...
Mỗi em học sinh đều có cá tính, giấc mơ riêng. Quan điểm của tôi cũng chính là quan điểm của thầy Hùng - hiệu trưởng trong phim: không có trẻ hư, chỉ có đứa trẻ chưa ngoan.
Người thầy giỏi là người nhìn ra những điểm tốt trong mỗi cá tính của học trò và phát huy chúng, để các em có thể bay cao, bay xa hơn với giấc mơ của chính mình.
Đạo diễn Hiếu Vick (trái) và diễn viên Tam Triều Dâng trên trường quay - Ảnh: ĐPCC
* Bộ phim phát sóng vào thời điểm cả xã hội đang "nóng" với một số câu chuyện học đường, anh nghĩ gì về điều này?
- Đọc vụ nữ sinh báo cáo "cô giáo im lặng suốt học kỳ" và nhiều sự việc khác tôi thấy buồn ghê gớm. Phải chăng nền giáo dục của chúng ta đang bị khủng hoảng?
Ngôi trường trong phim cũng đang đứng trước khủng hoảng, và tại ngôi trường đang gặp khó khăn đó, các thầy cô phải dốc hết tâm huyết và kỹ năng sư phạm để dạy dỗ những học sinh cá tính, bất trị, chưa ngoan nhằm cứu lấy số phận của ngôi trường và bọn trẻ.
Phim khai thác sự rạn nứt trong mối quan hệ thầy trò, bạo lực xảy đến là bi kịch cho tất cả nhân vật trong cuộc. Bạo lực thể xác hay tinh thần đều phải bị lên án. Các nhân vật trong phim, cả thầy lẫn trò, họ đều nhận được những bài học riêng trong cuộc đời mình.
Ngoài những mặt tiêu cực, phim cũng có nhiều điểm tích cực. Thầy và trò cùng giúp bạn thoát khỏi sự trượt dài trong vết xe ma túy, chung tay chống nạn bạo lực học đường, giúp nhau vượt qua những môn học"đáng sợ"...
Tôi cố gắng để không có ai đúng tuyệt đối và sai hoàn toàn. Thầy - trò - phụ huynh đều chỉ là con người.
Quan điểm đúng của phụ huynh khi áp đặt vào con trẻ có thể bị sai, vậy chúng ta luôn phải đủ tỉnh táo để yêu con mình, để dạy học sinh, để đối xử với bạn bè cho thật thấu tình đạt lý.
Đó cũng là mong ước của tôi về một nền giáo dục hiện đại, nơi những đứa trẻ không sợ học, để mỗi ngày đến trường là một buổi phiêu lưu kỳ thú.
* Làm bộ phim học đường thu hút khán giả - đặc biệt khán giả trẻ - không phải đơn giản, Hiếu Vick giải quyết những thử thách như thế nào?
- Làm phim về học trò, tôi luôn lo mình sẽ bị già hơn khán giả. Hằng ngày, sau công việc, tôi luôn cố gắng để tự cập nhật mình theo giới trẻ. Tôi chơi game cùng nhiều em cấp III, trà đá chém gió cùng sinh viên, làm anh trai của mấy đứa lóc chóc cấp II và cả làm bố nữa.
Tôi gặp bọn trẻ hằng ngày và được nghe nhiều câu chuyện của các bạn. Phim sẽ thật tẻ nhạt nếu không có những sắc màu ấy. Khán giả trẻ cần cảm nhận thấy hơi thở cuộc sống hiện đại và chính câu chuyện của họ trong phim.
Tất nhiên ngoài nội dung, dàn diễn viên trẻ trung xinh đẹp là yếu tố quan trọng và phong cách thể hiện cũng cần mới lạ.
Biệt đội 12A1 dài 28 tập, do Quốc Vương - Bạch Dinh viết kịch bản, đạo diễn Hiếu Vick.
Các diễn viên tham gia: Phí Ngọc Hưng, Tam Triều Dâng, Trường Thịnh, Linh Su, Thùy Anh, Hoàng Hải, Hoàng Nguyên, Thanh Hoàng, Xuân Hiệp…
Lấy bối cảnh ở một trường tư thục bán trú đang gặp khó khăn về tài chính, Biệt đội 12A1 kể về một nhóm học trò "cá biệt" xuất thân từ các thành phần khác nhau.
Qua mỗi tập phim, nhiều vấn đề của lứa tuổi học trò được đề cập đến như nạn nghiện facebook, trốn học, hút thuốc, bạo lực học đường…
16 giờ "marathon" truyền hình về tình thầy trò
TTO - Đúng ngày 20-11, một chương trình truyền hình có quy mô đồ sộ, kéo dài từ 7g-23g với tên gọi Ngày thầy trò sẽ được phát sóng đồng thời trên 20 kênh truyền hình.
Source https://tuoitre.vn/biet-doi-12a1-phim-nong-theo-ran-nut-trong-quan-he-thay-tro-20180410100921434.htm
Post a Comment