Header Ads

6 ca khúc trước 1975 được 'trả tự do', còn bài nào nữa?

TTO - Sau khi báo chí, công luận lên tiếng đấu tranh, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã "trả tự do" cho ca khúc Nối vòng tay lớn cùng 5 bài hát sáng tác trước năm 1975.

Quyết định trên phần nào giải tỏa bức xúc của công chúng suốt hơn một tháng qua. Nhưng "án treo" lơ lửng với rất nhiều ca khúc xưa sẽ được giải quyết thế nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thấu đáo từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Để không còn xảy ra những việc cấm đoán bài hát xưa tùy tiện và vô lý, trước hết những người làm công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn cần điều chỉnh cách ứng xử với nghệ sĩ và tác phẩm xưa một cách có trách nhiệm.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho rằng đối với những bài hát lâu nay vẫn được sử dụng trên các phương tiện truyền thông quốc gia như Đài Tiếng nói VN, Đài truyền hình VN, hoặc đã được biểu diễn trong các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị quốc gia... thì nghiễm nhiên bài hát đó phải được tự do lưu hành, không cần Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến nữa.

Vì vậy, website của Cục Nghệ thuật biểu diễn cần ngay lập tức cập nhật danh sách những bài hát đó và những bài hát đã được các địa phương cấp phép lưu hành trước khi nghị định 79/2012 ra đời, để tránh xảy ra trường hợp tương tự nhưNối vòng tay lớn.

Trong khi chờ đợi những cuộc rà soát tổng thể trên bình diện quốc gia để lập danh sách những bài hát cấm phổ biến vì đi ngược lại lợi ích quốc gia như nhiều ý kiến đề xuất lâu nay, trước mắt Cục Nghệ thuật biểu diễn cần chủ động xem xét các bài hát có nội dung không vi phạm nguyên tắc trên (như nói về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình cảm con người, thiên nhiên...) để cấp phép phổ biến, chứ không thể ung dung ngồi đợi có ai đó "xin phép" thì mới "cấp phép".

Nghị định 79/2012 cũng cần được tiếp tục sửa đổi, thay vì cơ chế cấp phép "nhỏ giọt" từng bài hát sáng tác trước năm 1975 và của người VN định cư ở nước ngoài như hiện nay, thì chỉ nên đưa ra hệ thống tiêu chí rõ ràng với các loại bài hát bị cấm phổ biến, để các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật và các địa phương đối chiếu mà "tự xử".

Ngày 15-4, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lên tiếng nhận trách nhiệm về việc cấm đoán các bài hát xưa và sẽ tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Nhưng hình thức xử lý với các cá nhân liên quan đến vụ việc này ra sao vẫn là câu hỏi của dư luận. Không chỉ người trực tiếp ký quyết định thu hồi mà cả bộ phận tham mưu, đề xuất cũng phải được xem xét nghiêm minh.

Hình thức "rút kinh nghiệm" sâu sắc nhất không gì hơn là Cục Nghệ thuật biểu diễn nên tiếp thu những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng thiết thực của công chúng, nghệ sĩ và báo chí để kịp thời đề xuất sửa đổi các quy định theo hướng "cởi trói" cho ca khúc xưa.

Cách đây không lâu, tại trụ sở Ban Tuyên giáo trung ương ở Hà Nội, nhiều nhà sử học đã lên tiếng xác lập quan điểm sử học mới cho những khoảng trống lịch sử VN.

Theo đó, các nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ VN đều là di sản và bộ phận tạo thành của văn hóa VN.

Trên quan điểm này, di sản âm nhạc đồ sộ của các nhạc sĩ sáng tác trước năm 1975 và các nhạc sĩ sinh sống ở hải ngoại, nếu không phương hại đến lợi ích chung của dân tộc, cần phải được trân trọng và ứng xử công bằng như một bộ phận không tách rời của nền âm nhạc VN.

Chờ câu trả lời của Sở VHTT TP.HCM

*** Error ***
Một trong 5 ca khúc xưa bị ngưng lưu hành và vừa được gỡ lệnh cấm - Ảnh: Thái Lộc

Liên quan đến vụ việc cục thu hồi 5 bài hát xưa trước đây, PV Tuổi Trẻ đã nhiều lần gọi điện và nhắn tin xin hẹn gặp ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM, người trực tiếp ký văn bản ngày 8-12-2016 đề nghị xem xét lại 10 ca khúc trước 1975.

Cho đến trưa 17-4, Tuổi Trẻ vẫn chưa 
liên lạc được với 
ông Nam.

Cũng trong sáng 17-4, PV Tuổi Trẻ đã gửi đến Sở VHTT TP.HCM một số câu hỏi liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của sở trong việc ứng xử với các ca khúc xưa. Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục thông tin cùng bạn đọc khi nhận được câu trả lời.

Source http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170418/6-ca-khuc-truoc-1975-duoc-tra-tu-do-con-bai-nao-nua/1299743.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.